Em sinh ra đã thiếu tình cha, mẹ
Ngôi làng Tắk Chươm (thôn 1 xã Trà Mai huyện Nam Trà My) tuy chỉ cách trung tâm huyện chừng 2km nhưng rất heo hút vì con đường độc nhất vào làng ngoằn ngoèo lại thêm dòng sông Nước Là chia cắt. Chúng tôi gặp Hồ Thị Tuyết (sinh năm 1999) đang ngồi bên bếp lửa thổi nồi cơm gạo đỏ. Tuyết là học sinh lớp 7/1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Nam Trà My. Từ khi vừa mới lọt lòng em đã không có cha, đến khi vừa tròn 1 tuổi Tuyết đã có thêm đứa em. Khi lên 5, mẹ Tuyết đã bỏ lại hai chị em cho bà ngoại chăm sóc để đi tìm mái ấm riêng cho mình. Cũng chính từ đây, cuộc đời của chị em Tuyết bắt đầu rơi vào cảnh đơn côi, cùng cực.
Ngôi trường mà em đang theo học là một ngôi trường điểm của huyện nghèo Nam Trà My, ngoài những trợ cấp của huyện và những tấm lòng hảo tâm trên cả nước thì tại ngôi trường này từ cuốn sách, cuốn vở đến cả việc ăn ở của học sinh cũng được ban giám hiệu trường và thầy cô quan tâm giúp đỡ. Ngoài việc học trên lớp vào những giờ học chính khóa, buổi tối vào khoảng thời gian từ 7 giờ đến 9 giờ 30 các em lại lên phòng học của mình để tự ôn bài, chuẩn bị những kiến thức cho ngày mai. Riêng vào những ngày nghỉ cuối tuần thì nhà trường mới cho các em về với gia đình để sum họp. Cứ vào những ngày cuối tuần, sau những ngày học bán trú tại trường, Tuyết về nhà chăm lo cho đứa em nhỏ và phụ giúp bà ngoại lên nương, rẫy tỉa bắp và dãy cỏ.
Ảnh: Đường về nhà Tuyết phải lên một con dốc ngoằn ngoèo
Kể về số phận của đứa cháu ngoại yêu quý, bà Đinh Thị Liên (72 tuổi) rưng rưng nước mắt nói: “ từ khi mẹ nó bỏ đi, một mình tôi phải lam lũ với nương rẫy để kiếm củ sắn, hạt bắp nuôi sống 2 đứa. Bây giờ tuổi cao rồi, thân tôi thì già yếu, lại mắc chứng bệnh lãng tai nên nhiều lúc nhìn chị em bé Tuyết mà ứa nước mắt”.
Ước mơ trở thành giáo viên
Thiếu đi tình cảm của cha và mẹ, 2 chị em Tuyết và Tuyên chỉ biết trông chờ vào những hạt gạo mà bà ngoại phải bỏ từng giọt mồ hôi trên nương rẫy làm lụng về để nuôi 2 chị em. Tuổi thơ côi cút, nhà nghèo thế nhưng Tuyết liên tục là học sinh giỏi toàn diện trong 7 năm qua. Nhìn quanh căn nhà gỗ của ba bà cháu trên tường toàn là giấy khen của 2 chị em, đã khiến chúng tôi không khỏi cảm phục. Trong những năm học tiểu học Tuyết đều là học sinh giỏi, đặc biệt năm học 2010-2011 em đã đạt giải nhất thuyết trình văn học cấp trường và giải 3 hội thi thuyết trình văn học cấp tỉnh; và năm học này (năm học 2011-2012), em lại đạt giải nhất thuyết trình văn học cấp trường và giải khuyến khích cấp tỉnh. Với thành tích học tập nổi bật ấy, nhiều bạn bè trong lớp vô cùng ngưỡng mộ em. Trong đó, em Lê thị Thúy Lưu (học cùng lớp) người bạn ngồi chung với Tuyết suốt cả năm học tâm sự: “em chưa bao giờ thấy ai như bạn Tuyết, một người chăm ngoan, lại hiền và biết giúp đỡ bạn bè. Học kỳ 1 em xếp loại học sinh trung bình, nhưng cũng nhờ Tuyết giúp đỡ và bày cho em trong giờ học nên học kỳ 2 em được học sinh khá”. Ngoài việc học, Tuyết còn làm thơ, viết văn tặng cho các bạn trong lớp và em cũng luôn sôi nỗi đi đầu trong tất cả các hoạt động của trường, lớp.
Ảnh : giấy khen mà Tuyết đạt được trong các kỳ thi
Cô Hồ Thị Truyền (chủ nhiệm lớp 7/1) chia sẻ về cô học trò chăm ngoan, học giỏi: “Tuy em Tuyết không có điều kiện để đi học thêm như những học sinh khác, nhưng bằng nổ lực của bản thân em đã vượt qua khó khăn để đạt được những thành tích cao trong học tập. Tuyết là tấm gương sáng để cho các bạn khác trong lớp và cũng như học sinh trong trường noi theo”.
Không thua kém chị hai, em Tuyên hiện là học sinh lớp 3 cũng đạt thành tích tốt trong học tập. Có lẽ, vì cuộc sống quá khó khăn nên điều mong muốn lớn nhất hiện nay của ba bà cháu là có đủ cơm ăn no mỗi bữa. Còn Tuyết mơ ước sẽ học tập tốt và sau này kiếm thật nhiều tiền cho em gái được học tốt hơn.
Chia sẻ với chúng tôi, Tuyết cho biết: “Em thương bà ngoại lắm, nhưng em còn nhỏ nên chưa làm được gì nhiều để giúp bà cả. Bà tuổi đã cao nhưng vẫn phải làm nhiều việc chưa được nghỉ ngơi. Mơ ước của em sau này sẽ trở thành một giáo viên để về lại quê hương này dạy chữ cho các em”. Đó là niềm mơ ước của em, còn hiện tại cuộc sống của ba bà cháu đang gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Bà ngoại tuổi cao sức yếu, không làm được những việc nặng nhọc, mình Tuyết vừa lo việc học, vừa gánh vác giúp bà công việc nhà cửa vào những ngày nghĩ cuối tuần. Ba bà cháu chỉ biết trông cậy vào những hạt thóc, trái ngô trên rẫy để ăn qua ngày.
Ảnh: Hai chị em Tuyết đang phụ bà ngoại nấu nồi nước chè xanh
Khi ra về, bà ngoại của Tuyết còn níu tay chúng tôi lại và nói: “Tôi chỉ mong được sống đến lúc nhìn thấy cháu Tuyết trở thành giáo viên mà cháu mơ ước từ nhỏ”, đó là điều mong mỏi của bà ngoại em khi mà tất cả bà chỉ còn biết trông cậy vào đứa cháu ngoại tội nghiệp của mình.