1. Mô tả cây rau dớn
Rau dớn là loài dương xỉ có thân rễ nghiêng, hướng lên cao tới 15cm, thường bao phủ vẩy ngắn màu hung. Cuống lá dài 60-100cm, dày, màu vàng lợt hoặc nâu đen và phủ vẩy ở gốc, phiến lá thay đổi tuỳ theo tuổi của cây, nhưng có thể dài tới 1,5m, các lá lược non kép lông chim một lần, các lá lược già kép lông chim hai lần, các lá chét bậc nhất ở dưới và ở trên đều chia thuỳ lông chim dài khoảng 8-10cm, rộng 2cm, các lá chét ở giữa lớn hơn, có cuống, chóp hình tam giác, các lá chét bậc hai gồm 8-10 cái mỗi bên, không cuống, thuôn hình ngọn giáo, gân liên kết hình lông chim với 6-10 gân con ở mỗi bên trong các thuỳ. Ổ túi bào tử dài mỏng, nằm trên các gân con. Bào tử hình thận.
2. Công dụng và chế biến
Rau dớn được sử dụng làm rau ăn ở nhiều nơi. Người ta lấy lá non, ngọn non dùng luộc, nấu canh, xào thịt, cũng có thể dùng ăn sống.
Khi thu hái để làm rau ta chỉ ngắt những ngọn non cong cong như cái vòi voi, dài chừng một gang tay. Rau dớn có vị hơi nhơn nhớt, bởi vậy trước khi chế biến món ăn phải trụng sơ qua với nước sôi. Rau dớn luộc chẳng kén nước chấm, chỉ cần chén nước mắm thật ngon, cho thêm vài ánh tỏi giã giập, vài lát ớt hiểm là đủ.
Dớn xào thêm ít hạt hạt tiêu rừng thơm lựng chỉ thoáng ngửi thôi đã thấy thèm. Rau dớn trụng nước sôi để ráo, đảo sơ qua trên chảo với tỏi giã giập, dầu đậu phộng, rồi bắc xuống cho thêm muối, đường, hạt tiêu, chanh, ớt… trộn thật đều rồi nếm thử, thực khách sẽ ngây ngất vì những cọng rau giòn giòn đậm đà vị chua, cay, mặn, ngọt…
Không chỉ ngon, theo các thầy thuốc đông y, rau dớn còn là loại rau có tính mát, lợi tiểu, chống táo bón.
3. Cách gây trồng và chăm sóc rau dớn
Giống gây trồng chủ yếu là lấy cây con mọc tự nhiên hay tách từ các bụi lớn
Rau dớn là loại cây thích sống nơi ẩm ướt, vì thế thường trồng rau dớn cạnh bờ ao, hồ…thường xuyên làm vệ sinh xung quanh gốc sạch sẽ, cắt bỏ lá già để tang khả năng ra chồi của rau.