Mô hình trang trại của gia đình ông Nguyễn Thái Phong ở khu Trà Xuyên, phường Khúc Xuyên (thành phố Bắc Ninh) dù nhỏ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Phong là một cựu chiến binh, một cán bộ của ngành Thể thao tỉnh nhà, năm 1993 sau khi nghỉ hưu, với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông quyết định nhận thầu hơn 2 mẫu đất của địa phương làm kinh tế trang trại. Ông vay vốn hỗ trợ người nghèo để xây dựng mô hình trang trại VAC. Trang trại của ông được quy hoạch khoa học với vườn nhãn chín muộn, vườn bưởi Diễn, ao cá và hệ thống chuồng trại…
Buổi đầu xây dựng trang trại, do ít am hiểu về VAC nên trang trại của ông Phong cũng gặp nhiều khó khăn. Diện tích đất gia đình ông đấu thầu là đất trũng khó canh tác nên mất nhiều công sức tiền vốn để đầu tư cải tạo. Tuy nhiên, với bản chất cần cù, chịu khó, ham học hỏi nên ông Phong đã dần xây dựng thành một trang trại quy mô hoàn chỉnh. Bên trên vườn, ông từng bước kết hợp với chăn nuôi lợn thịt, vịt đẻ, trồng cây lâu năm xen kẽ các cây ngắn ngày, bên dưới ao thả các loại cá thương phẩm.
Dẫn chúng tôi đi thăm ao cá rộng hơn 2.000m², bên trên trồng hơn 40 gốc táo lai, hơn 50 gốc ổi MãLai, 50 gốc xoài Úc, xoài Nha Trang, hơn 40 gốc bưởi Diễn, đặc biệt sau nhiều năm tìm hiểu, ông Phong cũng đã thành công với giống nhãn chín muộn. Hiện tại, với hơn 40 gốc nhãn chín muộn mỗi năm cho gia đình thu được gần 40 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc nhãn muộn, ông Phong cho biết: “Cùng với các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc nhãn thông thường, để nhãn muộn cho năng suất, chất lượng cao cần thực hiện thuần thục các biện pháp kỹ thuật như: Bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh; xử lý điều chỉnh cho nhãn ra hoa đầu quả, ghép thay tán, ghép cải tạo giống; chống rụng hoa, rụng quả non bằng cách khoanh vỏ hoặc sử dụng các chế phẩm sinh hoá…”.
Với sự ham học hỏi, tìm hiểu khoa học kỹ thuật của mình, ông Phong tự tiến hành ghép cải tạo các gốc xoài cũ già bằng giống mới. Đồng thời, ông cũng tận dụng đất để trồng thêm măng Bát Độ vừa làm hàng rào quanh trang trại, vừa tăng thu mỗi năm thêm hàng chục triệu đồng. Trong chăn nuôi, để tận dụng mặt nước, bờ ao, góc vườn, gia đình ông cũng luôn duy trì hàng trăm con vịt đẻ và hơn 20 con lợn thịt nhằm tận dụng chất thải để làm phân bón cho các loại cây trồng… Hàng năm, sau khi trừ chi phí các loại, thu nhập từ trang trại VAC của gia đình ông Phong luôn ở mức 170 – 180 triệu đồng.
Không chỉ là người giỏi làm kinh tế trang trại, ông Nguyễn Thái Phong còn là một cán bộ gương mẫu, nhiệt tình. Được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội VAC phường Khúc Xuyên, những năm qua ông Phong thường xuyên giúp đỡ về giống, vốn, kinh nghiệm để mọi người cùng vươn lên làm giàu. Hàng năm, Chi hội đều tổ chức cho các hội viên đi tham quan những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để mọi người có điều kiện học hỏi, áp dụng. Ghi nhận kết quả phát triển kinh tế cùng những đóng góp trong công tác hội, cựu chiến binh Nguyễn Thái Phong được Hội Nông dân, Hội Làm vườn các cấp tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.
Phát triển kinh tế phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương là điều rất quan trọng và thiết thực. Mô hình VAC của ông Nguyễn Thái Phong ở Khúc Xuyên – thành phố Bắc Ninh tuy không phải là mô hình quy mô lớn song cũng là rất hiệu quả trong điều kiện đất đai ở Khúc Xuyên tạo công ăn việc làm cho các lao động trong gia đình với một nguồn thu nhập khá cao và ổn định. Mô hình VAC của gia đình ông Phong xứng đáng để nhiều nông dân trong tỉnh học hỏi và làm theo nhằm cải thiện cuộc sống và vươn lên làm giàu.
Quế Võ: Doanh thu bình quân một trang trại đạt 500-700 triệu đồng/năm
Thời điểm này, huyện Quế Võ có khoảng 650 trang trại và gia trại. Trong đó, 14 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp–PTNT (quy mô từ 2 ha, thu nhập 700 triệu đồng trở lên đối với mỗi trang trại/năm).
Mô hình kinh tế trang trại của gia đình anh Trần Văn Khương, xã Quế Tân đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng/ năm.
Các trang trại chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, kết hợp nuôi trồng thủy sản, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 1.400 lao động với mức lương ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng. Doanh thu bình quân của 1 trang trại đạt từ 500-700 triệu đồng/năm, một số trang trại có doanh thu đạt hàng tỷ đồng/năm.
Đến nay, toàn huyện Quế Võ có 122 HTX dịch vụ nông nghiệp, tăng 14 HTX so với năm 2010. Doanh thu của HTX Dịch vụ nông nghiệp đạt 75,06 tỷ đồng, tăng 0,84 tỷ so với năm 2010. Các HTX cơ bản hoạt động đúng luật, từng bước khẳng định được vai trò chủ đạo trong hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể ở địa phương, nhất là chuyển giao, ứng dụng KHKT vào sản xuất và chủ động thực hiện các khâu dịch vụ.
Làm giàu từ mô hình trang trại hỗn hợp
Quyết tâm làm giàu trên chính đồng đất quê hương, cựu chiến binh Nguyễn Thái Phong ở phường Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh thành công với mô hình trang trại hỗn hợp mang lại thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm cho gia đình…
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Khúc Xuyên giàu truyền thống văn hiến, năm 1971, theo tiếng gọi của Đảng, chàng thành niên Nguyễn Thái Phong tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở nhiều chiến trường khác nhau, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1976, ông Phong chuyển ngành về Sở Thể dục thể thao tỉnh Hà Bắc cũ (nay là tỉnh Bắc Ninh). Lần lượt trên các cương vị công tác là vận động viên, huấn luyện viên, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, đóng góp không nhỏ vào những thành tích của thể thao quê hương Kinh Bắc nói chung và môn vật cổ truyền nói riêng trong thập niên 80 của thế kỷ trước.
Năm 1993, sau khi về nghỉ theo chế độ, với tư duy dám nghĩ dám làm, ông Phong quyết định nhận thầu hơn 2 mẫu đất của địa phương để phát triển kinh tế gia đình. Nhớ lại những ngày đầu bắt tay xây dựng mô hình kinh tế VAC, ông Phong chia sẻ: “Cũng vất vả lắm chú ạ! Ngày đó nhà đông con, vợ lại làm ruộng nên cũng đâu tích lũy được nhiều. May nhờ có anh em gia đình giúp đỡ và được vay vốn của Quỹ cho vay ưu đãi người nghèo nên tôi mới gây dựng được cơ ngơi như hôm nay”. Ngắm nhìn trang trại VAC được quy hoạch khoa học với vườn bưởi Diễn trĩu quả, đàn lợn no tròn… chúng tôi phần nào cảm nhận được đó là những thành quả từ chính mồ hôi, công sức của ông và gia đình.
Dẫn chúng tôi đi tham quan ao cá rộng gần 5.000 m2, cựu chiến binh Nguyễn Thái Phong cho biết, diện tích gia đình đấu thầu là vũng trũng nhất của địa phương nên việc cải tạo gặp không ít khó khăn. Gia đình từng bước nỗ lực cải tạo, kết hợp trồng cây lâu năm và cây ngắn ngày, từ đó tìm ra loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, ngoài diện tích ao thả cá gần 7.000 m2, gia đình ông Phong còn có trên 40 gốc bưởi Diễn 6 – 7 năm tuổi đang cho thu hoạch, 30 gốc nhãn chín muộn, 50 gốc táo lai, 50 gốc xoài Úc, xoài Nha Trang… Gia đình ông cũng thường xuyên duy trì đàn lợn thịt gần 20 con cùng hàng trăm vịt đẻ. Được biết, hàng năm sau khi trừ chi phí các loại, thu nhập từ trang trại VAC của gia đình cựu chiến binh Nguyễn Thái Phong luôn ở mức 150 – 170 triệu đồng. Riêng vụ nhãn năm 2014 vừa qua, ông thu được gần 30 triệu từ tiền bán nhãn chín muộn.
Chịu khó học hỏi, tìm tòi, hiện ông Phong đang tiến hành thử nghiệm ghép giống xoài mới trên một số gốc xoài đã già cỗi. Đồng thời ông cũng tận dụng diện tích trồng măng Bát Độ, chuối Tiêu hồng… để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Không chỉ mạnh dạn trong làm kinh tế trang trại, cựu chiến binh Nguyễn Thái Phong còn là một cán bộ hội gương mẫu, nhiệt tình. Được mọi người tín nhiệm bầu làm Chi hội Trưởng Chi hội VAC phường Khúc Xuyên, những năm qua ông Phong thường xuyên giúp đỡ về giống vốn, kinh nghiệm để mọi người cùng vươn lên làm giàu. Hàng năm, ông đều tổ chức cho các hội viên đi tham quan những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để mọi người có điều kiện học hỏi, áp dụng. Nhờ đó, đến nay, mô hình sản xuất của 23 hội viên trong Chi hội VAC phường Khúc Xuyên đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó ngày càng nhiều hộ có thu nhập mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng. Ghi nhận kết quả phát triển kinh tế cùng những đóng góp trong công tác hội, cựu chiến binh Nguyễn Thái Phong được Hội Nông dân, Hội Làm vườn các cấp tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.