Người dân làng Măng Gry trang trí cây nêu phục vụ tại lễ hội
Hằng năm, cứ đến khoảng tháng 11, đồng bào Ca Dong ở các làng vùng cao Nam Trà My lại tưng bừng tổ chức Lễ hội cúng máng nước. Cộng đồng người Ca Dong luôn coi trọng nguồn nước, xem nước là mạch nguồn của sự sống. Vì vậy, lễ cúng máng nước là lễ hội quan trọng bậc nhất của bà con nơi đây.
Già làng dặn dò con cháu phải biết yêu thương, đoàn kết, bảo vệ nguồn nước
Cúng máng nước để cầu mong thần rừng, thần nước phù hộ, đưa nước về cho bà con quanh năm để sản xuất, sinh hoạt, đảm bảo tưới tiêu mùa màng. Cúng máng nước cũng để cầu mong mưa thuận gió hòa, dân làng khỏe mạnh. Lễ hội năm nay của dân làng Mong Pry có phần nhộn nhịp, hoành tráng hơn nhờ được huyện hỗ trợ kinh phí thực hiện.
Từ nhà già làng, người dân đi đến nguồn nước để thực hiện lễ cúng bái, đây cũng là phần quan trọng nhất của lễ cúng
Trong tiếng cồng chiêng rộn ràng, già làng thực hiện các nghi thức cúng bái, dặn dò con cháu và các thành viên trong làng phải biết giữ gìn nguồn nước trong lành, sạch sẽ, luôn đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, phấn đấu làm ăn để mùa màng bội thu.
Một nghi thức cúng bái tại nguồn nước
Đồng bào Ca Dong quan niệm, con suối chảy qua làng là tặng phẩm của rừng già ban cho con người. Hàng ngày, bà con mang quả bầu khô, ống lồ ô, ống nứa đến lấy nước về dùng để nấu ăn, sinh hoạt. Trẻ con có thể đùa nghịch, vui chơi thỏa thích dưới máng nước.
Hứng nguồn nước từ nguồn
Bên cạnh đó, máng nước còn là nơi để bà con gặp gỡ, chuyện trò, tạo sự kết nối trong cộng đồng. Vì thế, máng nước từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa vừa gẫn gũi vừa thiêng liêng trong đời sống của đồng bào Ca Dong.